Nhà cung cấp iPhone - Pegatron hiện đang tập trung vào việc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Ấn Độ và các quốc gia khác. Vào tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã liên tiếp tung ra cách lệnh phong toả. Vấn đề là, nhiều nhà sản xuất linh kiện và lắp ráp điện thoại có nhà máy đặt tại đây, bao gồm cả nhà cung cấp iPhone - Pegatron. Báo cáo mới nhất của Reuters cho hay, công ty đang chú trọng mở rộng các nhà máy ra bên ngoài Trung Quốc. Ước tính, công ty Đài Loan Pegatron sản xuất khoảng 20 - 30% iPhone cho Apple. Đối tác sản xuất iPhone đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam, Ấn Độ. Cũng vào tháng 4 năm nay, Pegatron đã buộc phải tạm dừng hoạt động tại hai nhà máy chủ chốt ở Trung Quốc: Thượng Hải và Côn Sơn. Tình hình này đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và giao hàng, và mặc dù các hạn chế cấm vận đã được dỡ bỏ, công ty vẫn đang gặp một số vấn đề. Được biết, Pegatron đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công. Chủ tịch của Pegatron, Liao Syh-jang nhấn mạnh, công ty đã phải đối mặt với các biện pháp kiểm soát liên quan đến phong toả trong 2 tháng và chưa thể dự đoán được các biến số trong tương lai. Hiện tại, Pegatron đang tìm cách mở rộng các nhà máy sản xuất tại Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia và Mexico, nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân công và khoảng cách giữa mùa cao điểm và thấp điểm. Lãnh đạo Pegatron cũng nhận định, việc tuyển dụng ở Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn trong 7 hoặc 8 năm qua. Ông cho hay, thời gian còn lại của năm 2022 sẽ tốt hơn cho công ty khi đại dịch đang dịu đi và Trung Quốc đang gỡ bỏ các hạn chế. Ảnh concept iPhone 14 Pro Max và iPhone 14 Pro. Pegatron không phải là công ty duy nhất lạc quan trong nửa năm còn lại. Foxconn, một nhà lắp ráp iPhone khác, cũng tuyên bố sẽ có nguồn cung ổn định hơn trong nửa cuối năm 2022. Gần đây, có thông tin cho rằng hai mẫu iPhone 14 Max/ iPhone 14 Pro Max sắp tới đã bị trễ lịch trình sản xuất. Vấn đề đó liên quan đến việc chậm trễ các lô hàng màn hình. Rõ ràng, ngày càng có nhiều công ty muốn đặt nhà máy ở nhiều nơi hơn trên thế giới. Với việc có nhiều kho hơn, việc trì hoãn sản xuất sẽ khó xảy ra hơn. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ không phải đợi ngày vận chuyển lâu hơn. Tất nhiên, việc chậm trễ cũng khiến các công ty mất một khoản tiền đáng kể. 2 năm qua là thời gian để toàn ngành công nghệ học được những bài học từ những biến động và sẽ hướng tới sự linh hoạt hơn trong tương lai.