Góp ý nhỏ về dự thảo quản lý game online

Thảo luận trong 'Quán nghỉ' bắt đầu bởi Thiên Thanh Hi, 24/8/10.

Trạng thái chủ đề:
Đã khóa. Bạn muốn mở lại chủ đề? Nhắn tin cho admin Thiên Thanh Hi
  1. Thiên Thanh Hi

    Thiên Thanh Hi Ban Quản Trị

    Góp ý nhỏ về dự thảo quản lý game online

    Kính chào các cô, chú, bác ở ban dự thảo quản lý game online.

    Sau một thời gian không phải là ít có nhiều thông tin xoay quanh dự thảo, cháu tuy chưa tường tận nhưng gặp dòng chữ “quản lý game online” là mừng lắm, như vớ được vàng, vớ được lý tưởng của mình vậy!

    Cháu là một người chơi game, một công dân của nước Việt Nam.
    Trong cuộc sống cũng như game, cháu cảm thấy có rất nhiều bất cập, bức xúc hằng mong được góp ý mà không biết phải chuyển đến ai… Ở nước ta người tiêu dùng quá hiền lành, thật thà nên khi bị xâm phạm quyền lợi, nhiều khi họ cam chịu; cháu rất thích chơi game, nhưng chứng kiến nhiều bất cập về quản lý game mà bức xúc lắm, mới vui mừng khi thấy dự thảo này, mặc dù mới chỉ có tiêu đề, chưa biết nội dung cụ thể đã hoàn thiện đến đâu.

    Cháu không phải là người có kiến thức, diễn đạt kém, do giới hạn trong tư duy mà tự cho những cái mình nói là hợp logic (mặc dù có thể không hợp) nên xin các bác đừng chê.

    Trước hết, xét về góc độ phát triển con người, trí tuệ, hình thành nhân cách… thì game online (hiện nay của VN) không đóng góp được gì, phải khẳng định như vậy. Tuy có một số game thủ tự lừa dối mình là qua chơi game, qua tình bạn, tình yêu trong game tôi học được điều này, lãnh ngộ điều kia… nhưng dùng cái lãnh ngộ được từ game áp dụng vào thế giới thực, được mấy người? Có loại kiến thức mà họ học từ thực tế không nổi, lại học từ game? Họ tự lừa dối mình thì được, nhưng các bác đều là những nhà sư phạm, xã hội, tâm lý học thì thừa hiểu!

    Xét về rèn luyện khả năng tư duy thì có, nhưng không thể bằng chơi nu na nu nống, chơi bịt mắt bắt dê, đá bóng hoặc thả diều... Các nhà khoa học đã chứng minh dù là bất kì game gì, kể cả các game giải đố, trí tuệ cũng không thể giúp con người ta tư duy tốt hơn hoặc thông minh hơn, trừ những game được chuyển thể từ thực tế như chơi cờ, sudoku…

    Game đơn thuần là giải trí, người ta tìm đến game bởi một chữ “game” chứ không như việc tìm đến một quyển sách hay một môn học, nên phải thừa nhận nó là giải trí, chứ không thể ngụy biện rằng tôi tìm đến và học được điều gì.

    Giải trí là gì? Là giúp con người cân bằng được trạng thái, tình cảm, sức khỏe sau những giờ phút mệt nhọc. Và cái ta học được, có, nhưng không phải trong game, mà qua game để tương tác với những người chơi khác, chia sẻ quan điểm…

    Nói vậy, game đương nhiên có lợi, và khi nó giúp con người được giải trí, được tương tác thì tức nó giúp cho việc phát triển con người. Điều này mâu thuẫn với ý cháu nói bên trên? Không! Nhìn vào lịch sử phát triển, ta thấy bản chất của game không xấu (trừ những game có yếu tố vi phạm pháp luật), đều xuất phát từ những trò chơi dân gian, trò chơi trong thực tế… ngày một hoàn thiện dần thêm, mượn sức mạnh của công nghệ để thực hiện những điều trong trò chơi thực không thể làm được!

    Vấn đề là phát hànhchơi game sao cho có lợi, cho đúng, cho không lạm dụng?
    Đây chính là việc các bác đang làm!
    Không cấm game, chưa từng nói game xấu, mà chỉ nói cần một cơ chế quản lý.

    Game có đem lại lợi ích, nhưng đa phần chúng ta thấy hiện nay lợi ít mà hại nhiều. Lỗi do người chơi hay nhà phát hành?

    Tại sao luật pháp cấm đánh bạc, cá độ… nhưng lại cho mở casino, cho cá độ ở trường đua ngựa và đang hoàn thiện luật cá độ bóng đá?
    Trong xã hội có nhiều hạng người, lối sống, nhận thức cũng khác, nhưng luật pháp là những nguyên tắc phù hợp với số đông, áp dụng chung nhất cho toàn thể công dân. Con người khi tham gia cá độ, đánh bạc là đem cái “tham” ra để chơi, tham rồi dễ “sân” và “si” lắm! Nên trò chơi loại này nếu tự phát sẽ không đảm bảo tránh được những tiêu cực, hệ quả xấu, tạo ra hoặc ảnh hưởng đến tệ nạn xã hội.

    Nhưng khi có cơ chế quản lý, có những nguyên tắc ràng buộc để các bên tham gia được thực hiện đúng quyềnnghĩa vụ của mình, có điểm dừng thích hợp thì cá độ, đánh bạc trở thành hợp pháp.

    Vấn đề là gì? Người tham gia cá độ, đánh bạc thì không thay đổi, chỉ thay đổi người (cách) quản lý. Con người có lòng tham ít hay nhiều, nhận thức không phải ai cũng tốt, nhưng người tổ chức có dùng thủ đoạn, lợi dụng điều đó hay không?

    Khi làm game, nhà phát triển luôn tìm cách đưa những yếu tố hấp dẫn vào trong trò chơi, họ cũng là những người am hiểu xã hội, tâm lý học… họ biết cách làm sao để người khác ham mê game của họ, nên game càng lớn, càng phức tạp thì yếu tố gây nghiện cũng nhiều.

    Nhưng chỉ cần không có yếu tố vi phạm pháp luật thì việc họ làm là không sai, người bán quan tài mong bán được nhiều hàng thì không có nghĩa họ mong có nhiều người chết. Xây dựng những yếu tố thú vị trong game không phải lỗi của nhà phát triển, họ không chịu trách nhiệm những tác động tiêu cực của game đến với người chơi.

    Như ví dụ trên kia, người đánh bạc do tự phát và người đến sòng bạc cũng như nhau cả, họ không có lỗi khi tìm đến một trò chơi, có chăng là sau khi vì thái quá một nhu cầu mà làm việc sai trái.
    Vậy bên chịu trách nhiệm là người tổ chức. Đạo đức của Nhà phát hành game quyết định game thủ nhận được giá trị gì?

    Theo cháu, dự thảo quản lý game online cần áp dụng với nhà Làm game, nhà Phát hành chứ không phải với người chơi game. Cũng như đến sòng bạc, qui định duy nhất đối với người chơi là sự giới hạn, tức thời gian chơi!

    Cháu xin góp ý trước về Giới hạn thời gian chơi game, có 3 cách:
    1. Đóng cửa các quán net sau 23h đêm
    2. Đóng cửa các server game sau 23h đêm
    3. Giới hạn thời gian chơi của các tài khoản/ngày
    Dưới đây là phân tích lợi, hại. Không tính đến việc người chơi bị giới hạn thì sẽ chơi server nước ngoài, bởi tỉ lệ đó là rất thấp, chỉ cần giới hạn được trong nước là có thể giảm bớt tiêu cực rồi.

    1. Đóng cửa các quán net sau 23h đêm
    Có bài báo nói cách này không hiệu quả, vì 99% mạng đăng kí là hộ gia đình, chỉ có 1% là quán net. Tạm chưa bàn thống kê này đúng hay chưa, nhưng ý kiến này sai. Trong 100 hộ gia đình có lắp mạng thì bao nhiêu xuất phát từ việc chỉ để chơi game, và bao nhiêu sẽ chơi game sau 23h?

    Ngược lại, với quán net, nếu tính trung bình mỗi quán 20 máy thì lượng người chơi tại 1 quán đã bằng 20 hộ chơi game cộng lại. Cho nên, cấm quán net mở cửa sau 23h đêm thì cháu đảm bảo giảm được 50-80% số người chơi game ban đêm rồi.

    Lợi: Cách này không triệt để nhưng cũng tương đối, giới hạn thời gian là để giảm bớt phần nào hệ quả về kinh tế, quan hệ xã hội… khi người chơi quá ham mê, còn với người chơi tại nhà thì không thể quản lý được.
    Hại:
    1. Có một số tuy không nhiều nhưng quan trọng không kém là những người thường xuyên có điều kiện chơi game ban đêm do giờ giấc về công việc, hoặc học sinh, sinh viên, những người ra gặp gỡ người thân ở nước ngoài, tham gia làm một công việc online cho người nước ngoài…
      Cháu từng trông quán net nên hiểu rõ, nhiều đêm sinh viên vẫn hay ra quán để làm bài tập vì ban ngày quá nóng nực, lại không thể tranh nổi máy với dân chơi game, bài tập nhiều…
    2. Lợi nhuận quán net giảm, dịch vụ quán net là rất cần thiết, nhưng hiệu quả kinh tế không còn cao như trước nên sẽ giảm thiểu một số quán net
    3. Cùng chung cái hại với cách thứ 2 nêu dưới đây.
    2. Đóng cửa các server game sau 23h đêm
    Lợi: Triệt để ngăn chặn việc chơi game ban đêm, có thể “lọc” ra những người online ban đêm để làm việc, gặp gỡ người thân…
    Hại: Nước ngoài cũng có game, nhưng Kiều bào thích chơi game online Việt là vì sao? Là để gặp những người con Việt, gặp những người họ có thể trao đổi bằng tiếng mẹ đẻ và kể cho nhau những chuyện ở quê nhà. Đây không những là vấn đề tình cảm, chăm sóc đời sống tinh thần mà về kinh tế cũng có lợi. Ban đêm của ta là ngày của họ, đóng cửa server game hoàn toàn không hợp lý; chặn IP tại Việt Nam vào ban đêm cũng không hợp lý.

    Mục tiêu của dự thảo là chăm sóc đời sống tinh thần cho công dân Việt Nam cụ thể trong việc chơi game online, mà chăm sóc thì không thể ép buộc ai phải chơi vào giờ nào, chơi ra sao. Mấu chốt của vấn đề là “giới hạn thời gian chơi”, nên nếu chỉ cấm chơi ban đêm thì đã đi sai hướng, vậy, cách hay nhất chính là…
    3. Giới hạn thời gian chơi của các tài khoản/ngày
    Giới hạn chơi 5 tiếng hay 3 tiếng? Góp ý của cháu hoàn toàn khác, 8 tiếng!
    Trong sinh hoạt, lao động sản xuất, đặc điểm các ngành nghề ở nước ta thì mức chơi 8 tiếng/ngày sẽ phù hợp với phần đông, người chơi có thể sắp xếp thời gian hợp lý, có điều kiện thì “cắm chuột” cho nhân vật của mình.

    Nhưng ý của cháu không phải là chơi 8 tiếng/ngày. Nó như sau:
    • Được phép chơi 8 tiếng/ngày với các ngày từ thứ 2 đến thứ 7, nhưng:
      1. Không được phép chơi quá 5 tiếng liên tiếp (nghĩa là phải chia làm 2 lần)
      2. Sau 5 tiếng đầu tiên (bất kể chơi làm mấy lần, vào giờ nào) sẽ có thời gian không vào được game trong 3 tiếng, khi vào được sẽ được chơi tối đa 3 tiếng còn lại
      3. Từ 23h đêm đến 5h30’ sáng không được chơi quá 3 tiếng
    • Được phép chơi 12 tiếng/ngày nếu vào Chủ nhật, các ngày nghỉ khác theo qui định của nhà nước, nhưng:
      1. Không được phép chơi quá 6 tiếng liên tiếp
      2. Sau 6 tiếng đầu tiên sẽ có thời gian không vào được game trong 2 tiếng, khi vào được sẽ được chơi tối đa 6 tiếng còn lại
      3. Từ 23h đêm đến 5h30’ sáng không được chơi quá 3 tiếng
    • Cần bên thứ 3 tạo phần mềm giới hạn thời gian chơi.
    Với cách thứ 3 này, cháu tin có ưu điểm hơn hai cách nêu phía trên. Trong đó người chơi vẫn có thể chơi một lượng thời gian đủ thoải mái, họ có thể cắm chuột, hoặc tùy biến thời gian chơi theo thời gian biểu của mình để bắt kịp các sự kiện, giao lưu với bạn bè…

    Còn những vấn đề khác chưa đi sát được, sẽ cần “trị tận gốc” ở Nhà phát hành, đây là đơn vị chính chịu trách nhiệm cho tác động của game đối với người chơi.

    Game nếu không quản lý tốt còn tệ hơn nạn đánh bạc.

    Về Quản lý Nhà phát hành game, không rõ các bác có dự định gì, nhưng cháu xin góp ý:
    1. qui định về cách tổ chức các sự kiện làm sao cho phù hợp với văn hóa, đời sống của người Việt. Qui định rõ một sự kiện tổ chức cần giải quyết những yếu tố nào để nâng cao tính giải trí, tạo sự thoải mái cho người chơi, phát triển con người. Như những ngành nghề khác, phải có tiêu chí kinh doanh game online.
    2. chuẩn về hệ thống hỗ trợ khách hàng, NPH phải đạt được.
    3. Nhà phát hành game (ngoài các tiêu chí theo qui định hiện hành) phải có phòng phát triển con người riêng biệt, là những nhà có kĩ năng sư phạm, giáo dục, xã hội, tâm lý học… phụ trách tổ chức các sự kiện cho cộng đồng, chăm sóc khách hàng
    4. NPH tổ chức sự kiện trong game hoặc offline tự do, nhưng phải nghiên cứu đáp ứng đủ các yếu tố đã nêu ở (1) và nộp lưu nghiên cứu trước khi tổ chức. Nếu làm sai các nguyên tắc đã đề ra sẽ bị trừ điểm, sai phạm lớn sẽ bị phạt. Đánh giá hàng năm sẽ cho thấy đâu là NPH tận tâm
    5. Xã hội có một tệ nạn gọi là “ngôi sao” và “hot girl”. Cứ có đoàn ca nhạc ở đâu về, hoặc ngay trên các báo chí chính thống cũng tâng một nhân vật lạ hoắc thành “ngôi sao”, một cô gái có ngoại hình khá thì được gọi là “hot girl” (trong khi ở đời thực cháu vô cùng ít thấy người khác gọi như thế), quảng cáo game thì nhất định phải có cảnh con gái ăn mặc hở hang… cháu mong các bác dẹp tệ nạn này. Nghiên cấm các Nhà phát hành lợi dụng con người, quảng cáo bằng các hình ảnh tươi mát, tổ chức những sự kiện chỉ nhằm mục đích lợi dụng con người để tăng sự chú ý về mình (như “Ai xinh hơn?” của Zing, Vinagame)
    6. ràng buộc bảo vệ quyền lợi của người chơi, để cho người chơi được tự do ngôn luận. Đa phần các diễn đàn game của NPH mở ra rất nhiều chuyên mục [box] bị kiểm duyệt bài viết, thành viên chỉ cần nói gì, không cần đúng hay sai, miễn họ cảm thấy có thể bị ảnh hưởng (theo truyền đạt của hội đồng cấp trên- những người hầu như không bao giờ vào hay tham gia diễn đàn, người duyệt bài thì theo tiêu chí cấp trên ban kết hợp với nhận thức cá nhân về thông tin được và không được… không theo chuẩn nào cả) là bài của thành viên không được duyệt, bị xóa…

      Họ lấy lý do bộ thông tin truyền thông quản lý chặt, nhưng kì thực họ lừa dối khách hàng. Nếu một tin sai trái được đăng lên, họ không có mặt ngay lập tức thì đâu có bị phạt, họ chỉ chịu trách nhiệm nếu trong một khoảng thời gian không giải quyết khắc phục, thậm chí có dấu hiệu tham gia… Nên mong các bác qui định bắt buộc họ không được kiểm duyệt bài viết của thành viên (trừ những box về Tố cáo, sự kiện… những nơi bài viết cần giữ riêng tư).
    7. Để đảm bảo khách hàng được chơi game tốt, giao lưu với cộng đồng tốt thì diễn đàn- cơ quan ngôn luận của cộng đồng game đó phải được chăm sóc tốt. Hiện đa số các diễn đàn chỉ tuyển vài mod có trả lương, mỗi mod phải phụ trách đến vài box, tham gia nhiều công việc từ quảng cáo, tổ chức sự kiện mà lương tháng chỉ 300-400 ngàn, có diễn đàn còn không trả lương. Vậy có phải NPH đang lợi dụng người chơi hay không?

      Về điểm này, cháu mong các bác xem xét đến để bảo vệ quyền lợi và có giới hạn hợp lý cho các cộng tác viên (CTV) của NPH, rút cục họ vẫn là những người chơi game, họ không đòi hỏi, nhưng có thể thiệt thòi vì chính sự ham mê của mình.

    Trên đây là vài góp ý chân thành của cháu, cháu rất quan tâm và rất mong đem đến lợi ích, giải trí thực sự cho người chơi game, bởi cháu từng là một người chơi game, và hiện đang là một game master.

    Cháu biết ý kiến của mình có thể đối với các bác là vô giá trị, các bác có thể thừa nghĩ ra cách hay hơn nhiều, nhưng là một người tầm thường ai cũng tự cho mình quan trọng, cháu vẫn mong các bác đọc được.

    Cháu xin cảm ơn những việc các bác làm vì cộng đồng!​
     
  2. tocbacvjp

    tocbacvjp Gà Vô Đối

    Cái này hay àk nha ;))
     
  3. Viết xong cái này cũng đau đầu hihi
     
  4. đang chờ nhà nước đây .
     
Trạng thái chủ đề:
Đã khóa. Bạn muốn mở lại chủ đề? Nhắn tin cho admin Thiên Thanh Hi

Chia sẻ trang này