Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình xử lý trách nhiệm cá nhân không thực hiện trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện xử lý vi phạm hành chính để quá thời hiệu thi hành, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông báo Kết luận số 13/KL-BTNMT về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2021 tại tỉnh Ninh Bình. Theo đó, qua kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện một số tồn tại, sai sót ở tỉnh Ninh Bình. Ô nhiễm môi trường từ các cảng than dọc đê sông Đáy (huyện Yên Khánh - Ninh Bình). Ảnh: XL Cụ thể, các điều kiện bảo đảm cho thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) còn thiếu, khó khăn, đặc biệt là nguồn nhân lực, kinh phí và trang thiết bị kỹ thuật; một số địa phương chưa chủ động, quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thi hành pháp luật về XPVPHC. Hiện nay, Ninh Bình vẫn còn 40/205 quyết định XPVPHC (lĩnh vực đất đai với số tiền phải nộp là 172.500.000 đồng) chưa được thực hiện, trong đó 23/40 quyết định hết thời hiệu thi hành theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Số quyết định XPVPHC có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là 212 quyết định; số quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là 2 quyết định, tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp chưa thực hiện hoặc không cung cấp thông tin về việc thực hiện. Nhiều trường hợp, người có thẩm quyền xử phạt chưa quyết liệt thực hiện trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các quyết định XPVPHC, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 2 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính và không thực hiện các quy định về cưỡng chế thi hành quyết định XPVPHC. Qua kiểm tra theo xác suất 7 hồ sơ thuộc thẩm quyền xử lý XPVPHC của Chủ tịch UBND TP Ninh Bình và Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư trong năm 2021 cho thấy: Một số biên bản xử lý vi phạm hành chính ghi thông tin chưa đầy đủ theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính như: Không ghi thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm, chưa mô tả đầy đủ các thông tin...; một số biên bản ghi nội dung về giải trình chưa phù hợp với quy định tại Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính; có biên bản lập không đúng đối tượng bị XPVPHC theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP và Nghị định số 40/2019/NĐ-CP. Một số trường hợp xử phạt không đúng đối tượng hoặc không ban hành quyết định XPVPHC do để quá thời hạn; một số quyết định XPVPHC không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo quy định; một số trường hợp áp dụng không đầy đủ biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm. Về việc đôn đốc, kiểm tra, cưỡng chế thi hành quyết định XPVPHC, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Một số trường hợp việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, cưỡng chế thực hiện quyết định XPVPHC chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực hiện kịp thời, mặc dù đã hết hoặc sắp hết thời hiệu thi hành theo khoản 1 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên, đến nay chưa thu được tiền nộp phạt và không thực hiện việc đôn đốc. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo kiểm tra, khắc phục các tồn tại, sai sót của các quyết định XPVPHC, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được ban hành trong năm 2021, đặc biệt là các quyết định XPVPHC, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thuộc thẩm quyền XPVPHC của Chủ tịch UBND cấp xã. Đồng thời, xem xét, xử lý trách nhiệm người có thẩm quyền XPVPHC, người tham mưu cho người có thẩm quyền XPVPHC theo quy định của pháp luật trong trường hợp xử phạt không đúng thẩm quyền, không đúng, không đầy đủ các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo đôn đốc việc thực hiện các quyết định XPVPHC chưa thực hiện còn thời hiệu thi hành; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của người có thẩm quyền, trách nhiệm đối với các trường hợp không thực hiện trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện để quá thời hiệu thi hành, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Xử lý nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường Nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, gây ô nhiễm môi trường Nguồn: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-d...-tai-nguyen-moi-truong-tai-ninh-binh-i676407/