Chuyên gia quốc tế bàn về quan hệ Mỹ - Trung tại Hà Nội Các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và quốc tế đang có cuộc thảo luận tại Hà Nội về ASEAN và quan hệ Mỹ - Trung trong bối cảnh khu vực có nhiều biến chuyển. Các đại biểu tham dự hội thảo hôm nay. Ảnh: Giang Huy Hội thảo "ASEAN và quan hệ Trung - Mỹ: Những chuyển động mới và tác động tới khu vực" do Quỹ Konrard Adenaeur Stiftung (KAS) phối hợp với Học viện Ngoại giao đồng tổ chức, quy tụ nhiều học giả Việt Nam và quốc tế tới từ các nước như Australia, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan. Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia đánh giá Biển Đông sẽ là một trong những điểm nóng trong quan hệ Mỹ - Trung thời gian tới và căng thẳng sẽ tồi tệ hơn. Mỹ cùng các nước ASEAN mong muốn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện những lời nói của mình ở Biển Đông. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều căng thẳng ở khu vực, và quân sự hóa là một trong những điểm nổi bật trong các hoạt động gần đây của Bắc Kinh. Ông Thayer cho rằng có 4 điểm thôi thúc Trung Quốc hành động nhiều hơn ở Biển Đông, đó là Tòa trọng tài thường trực (PCA) sắp ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, bầu cử ở Philippines vào tháng 5, Mỹ cứng rắn hơn trong bảo vệ tự do hàng hải và hàng không, bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Giáo sư Su Hao, Đại học Ngoại giao Trung Quốc, lại cho rằng các hoạt động gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông "không phải là ý đồ gây hấn", mà đơn giản là "hành vi mang tính ngây thơ" khi thấy các nước khác liên quan đến tranh chấp tăng cường sự hiện diện của mình. Nhưng ông Su thừa nhận Trung Quốc cần kiềm chế các hoạt động ở khu vực. Ông Su đánh giá xu hướng quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và các nước khác trên thế giới là hợp tác và phối hợp hơn. Mối quan hệ của Mỹ và Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương "bề ngoài có sự cạnh tranh nhưng sâu hơn là sự tùy thuộc". Các nước sẽ hợp tác theo mô hình quả ô liu, thay vì quả tạ trong quá khứ. Các nước cần giảm căng thẳng để đẩy mạnh thịnh vượng, theo ông Su. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 9 năm ngoái có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Mỹ, với mong muốn xây dựng "quan hệ cường quốc kiểu mới", tức gợi ý rằng hai quốc gia nên dẫn dắt thế giới với vị thế ngang bằng và không ngáng trở nhau. Tuy nhiên, kết thúc chuyến công du, không có tuyên bố chung nào giữa hai nước được đưa ra ngoài tuyên bố về khí hậu. Nhà Trắng không đề cập tới "quan hệ cường quốc" hay "mô hình mới". Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Nước này ồ ạt bồi đắp, cải tạo, biến các thực thể thành đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở vật chất trên đó, nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý. Bắc Kinh ngày càng tỏ rõ ý đồ quân sự hóa Biển Đông khi có những động thái như bố trí hệ thống tên lửa, radar tại khu vực này. Trước những hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh, Washington nhiều lần lên án, chỉ trích, đồng thời điều tàu vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép, để thách thức trực diện Bắc Kinh, thể hiện cam kết với tự do hàng hải. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Nhà Trắng có thể phải cứng rắn hơn nữa để ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Việt Anh http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gi...n-ve-quan-he-my-trung-tai-ha-noi-3367402.html