Nguy cơ Trung Quốc triển khai Su-35 đến Biển Đông Nếu triển khai tiêm kích thế hệ 4++ Su-35 xuống Biển Đông, Trung Quốc có thể thực hiện các chuyến bay tuần tra kiểm soát vùng trời trong khu vực này. Tiêm kích Su-35 do Nga chế tạo. Ảnh: Sputnik Giới phân tích quốc tế cho rằng bằng động thái triển khai trái phép hệ thống tên lửa phòng không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc dường như lộ ra ý đồ rõ ràng: họ muốn thống lĩnh một vùng biển rộng để hiện thực hóa cái gọi là "đường 9 đoạn" hay còn gọi là "đường lưỡi bò" ôm gần trọn Biển Đông. Trong một bài viết đăng trên National Interest, chuyên gia an ninh quốc phòng Harry J. Kazianis thuộc Viện Chính sách Trung Quốc cho rằng trọng tâm của Bắc Kinh trong thời gian tới sẽ là kiểm soát bầu trời Biển Đông. Nếu không kiểm soát được vùng trời, Bắc Kinh sẽ không thể kiểm soát được vùng biển và các thực thể bên dưới. Dù năng lực của hải quân Trung Quốc đã có những tiến bộ trong 20 năm qua, họ vẫn khó lòng tuần tra được khu vực rộng lớn như Biển Đông, ông Kazianis nhận định. Với việc bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông và xây ba đường băng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc có thể đang phát triển các căn cứ cần thiết để phục vụ cho mưu đồ tuần tra bầu trời Biển Đông, nhằm hiện thực hóa các yêu sách chủ quyền phi lý. Fox News hôm 23/2 đưa tin tình báo Mỹ ghi nhận sự hiện diện của các chiến đấu cơ Thẩm Dương J-11 và Tây An JH-7 của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm trong những ngày gần đây. Kazianis cho rằng diễn biến tiếp theo sẽ thực sự rất quan trọng. Một khả năng là Trung Quốc có thể triển khai đến các đường băng phi pháp ở Biển Đông một trong những loại máy bay chiến đấu tốt nhất thế giới: tiêm kích đa nhiệm Su-35 do Nga sản xuất. Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 24 tiêm kích Su-35 của Nga, số máy bay này sẽ được bàn giao trong vòng ba năm. Dù bố trí tất cả số máy bay này ở Biển Đông có thể vẫn chưa đủ để Trung Quốc thực thi một vùng nhận dạng phòng không, tiêm kích Su-35 tân tiến vẫn sẽ giúp Bắc Kinh có lợi thế trong mưu toan thống lĩnh khu vực. Đây là điều mà Washington và các đồng minh cần phải cảnh giác, đặc biệt khi 4 chiếc Su-35 sẽ được bàn giao cho Trung Quốc trong năm nay, Kazianis nhấn mạnh. Su-35 là tiêm kích một chỗ ngồi thế hệ 4++, phiên bản nâng cấp của chiến đấu cơ đa nhiệm Su-27. Su-35 có tải trọng cất cánh tối đa 34,5 tấn, tốc độ tối đa 2.390 km/h, tầm bay 3.600 km, có thể đạt tới 4.500 km khi bay tuần tiễu mang theo thùng dầu phụ. "Đó là một chiếc máy bay rất nguy hiểm, đặc biệt là nếu họ sản xuất số lượng lớn", một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ đánh giá. "Tôi nghĩ rằng ngay cả F-15 Eagle hay F/A-18E/F Super Hornet cũng sẽ gặp khó khi đối phó với nó". Học giả nghiên cứu Trung Quốc, Peter Wood ở Quỹ Jamestown, Mỹ đã từng chỉ ra trong một báo cáo năm 2013 rằng, một cải tiến đáng kể của máy bay Su-35 so với tiêm kích J-11B của Trung Quốc (nhái Su-27 của Nga) là khả năng mang theo các thùng dầu phụ và tiếp liệu trên không. Cải tiến này giúp Su-35 có thể mang theo nhiên liệu nhiều hơn 20% so với Su-27. Năng lực tiếp liệu trên không là yếu tố quan trọng để tăng tầm bay và thời gian quần lượn. Thời gian quần lượn là lượng thời gian mà một máy bay có thể bay xung quanh mục tiêu ở khoảng cách gần, khác với việc bay đến một khu vực rồi quay trở về căn cứ. Thông thường, có ba cách để tăng thời gian quần lượn. Cách thứ nhất là sử dụng máy bay nhỏ và nhẹ như máy bay không người lái Predator hay Global Hawk của Mỹ, vì chúng có thể ở trên không trong nhiều giờ liền và không cần có phi công. Hai lựa chọn còn lại là sử dụng máy bay có bồn nhiên liệu lớn hoặc có khả năng tiếp liệu trên không. Công nghệ của Su-35 sẽ khiến Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc đơn phương thi hành luật trái phép, cũng như phô diễn sức mạnh ở Biển Đông, học giả Wood đánh giá. Ông Wood nhận định, với khả năng bay trong thời gian dài của Su-35, Trung Quốc có thể hiện thực hóa yêu sách chủ quyền bằng cách bay tuần tra và thực thi các nhiệm vụ ngăn chặn liên tục hơn. Ông cảnh báo sự kết hợp giữa Su-35 với tiêm kích tầm ngắn, tên lửa đất đối không tiên tiến, tên lửa đạn đạo tầm xa và tên lửa hành trình có thể tạo ra nhiều lớp phòng vệ, khiến những nước bên ngoài ngại can thiệp nếu Trung Quốc theo đuổi xung đột với các quốc gia láng giềng. Theo chuyên gia Kazianis, đánh giá của học giả Wood được viết năm 2013 nên còn nhiều điểm chưa được cập nhật. Vì những nhận định này được đưa ra trước khi Trung Quốc bồi đắp trái phép đảo nhân tạo ở Biển Đông nên Wood rõ ràng chỉ đề cập đến khả năng Su-35 được bố trí ở bờ biển Trung Quốc. Còn hiện nay, Kazianis cho rằng, nếu Trung Quốc bố trí Su-35 ở các đường băng trên các đảo nhân tạo, tác động của chúng càng mạnh hơn. Và nếu Trung Quốc nghiên cứu chế tạo "hàng nhái" của Su-35, tức là tìm ra các nguyên lý kỹ thuật của Su-35 để sản xuất phiên bản tương tự của Trung Quốc với số lượng lớn như nước này từng làm với các máy bay khác của Nga, Biển Đông "có thể là một nơi rất khác với hiện giờ", Kazianis cảnh báo. Ngày 25/2, trả lời câu hỏi của VnExpress về thông tin Trung Quốc điều chiến đấu cơ ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, đặt trạm radar ở một số cấu trúc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho rằng những diễn biến gần đây ở khu vực, đặc biệt là ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho thấy nguyên trạng khu vực đang bị phá vỡ, "đặc biệt đáng lo ngại hơn là tình trạng quân sự hoá ở Biển Đông". "Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hoá ở Biển Đông, mà còn đe doạ đến hoà bình, ổn định ở khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông", ông Lê Hải Bình nhấn mạnh. Hồng Vân http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gi...c-trien-khai-su-35-den-bien-dong-3360027.html