28 năm đợi con về từ lòng biển Gạc Ma 'Giá họ cho đưa xác về thì con tôi và đồng đội đỡ tội', mẹ liệt sĩ Trương Quốc Hùng ước ao như vậy bởi 28 năm sau hải chiến Gạc Ma, thi thể những người lính Hải quân vẫn nằm dưới lòng biển lạnh. Vì sao Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma năm 1988 / 64 chiến sĩ ở Gạc Ma hy sinh như thế nào Tiết trời Đà Nẵng những ngày giữa tháng 3 u ám. Đứng lặng trước hiên nhà nhìn hoàng hôn, mẹ Lê Thị Muộn (84 tuổi) lại nhớ về người con trai Phan Văn Sự hy sinh ngày 14/3/1988 ở Gạc Ma. "28 năm đằng đẵng, năm nay có đồng đội của Sự về thăm, mẹ cũng yên lòng được phần nào", mẹ Muộn nói. Trong ký ức người mẹ tóc bạc trắng, hình ảnh con trai thứ tám luôn hiển hiện với những buổi đi học về lại phụ mẹ chẻ củi, ra cánh đồng ngập nước trước nhà dùng nơm bắt cá, rồi cặm cụi vào bếp nấu cơm. Chịu khó là thế, nhưng làm việc gì chẳng khi nào anh Sự vùng vằng, chỉ pha trò cho mọi người cùng cười. Mẹ Muộn thương anh Sự nhất nhà cũng vì tính cần cù, chịu khó. Cuối năm 2015, mẹ Lê Thị Muộn đã xung phong đi Trường Sa vì "muốn ra xem chỗ anh em thằng Sự nằm", nhưng do tuổi cao, sức yếu, con cái khuyên mẹ ở nhà. Ảnh: Nguyễn Đông. Thương mẹ vất vả, anh Sự xung phong đi bộ đội, nhưng giấu gia đình. Đăng ký nghĩa vụ trên xã xong xuôi, anh mới về nhà thỏ thẻ với mẹ. "Tôi không ngăn cản. Là trai có chí muốn bảo vệ tổ quốc thì cha mẹ phải mừng và hãnh diện", mẹ Muộn nhớ lại. Trước khi anh Sự nhận nhiệm vụ ra Trường Sa, người cha Phan Văn Bé dặn dò: "Đã đi thì phải cho đàng hoàng, chứ đừng thấy súng đạn nổ rồi trốn chạy, về nhà tao đánh chết". Nào ngờ ngày 14/3/1988 khi ông Bé nằm điều trị bệnh dạ dày ở bệnh viện, nghe tên con hy sinh qua loa phóng thanh, ông cũng ra đi mãi mãi. "Tôi như người mất hồn, hai cha con chung một ngày giỗ. Cứ nhắm mắt lại, hình ảnh thằng Sự lại hiện về. Nó đã làm theo lời cha, sống đàng hoàng, chết hiên ngang", mẹ Muộn nói. Nhớ thương con, mẹ Muộn thường cầm tấm áo hải quân, di vật duy nhất anh Sự để lại trước lúc rời Đà Nẵng vào Cam Ranh, để khâu lại thành chiếc áo cho mình. Khoác tấm áo ấy, mẹ Muộn lên truyền hình, kể cho đồng bào và người dân toàn thế giới biết rằng con mẹ là lính công binh ra xây dựng đảo, nhưng bị Trung Quốc dùng súng bắn. "Con tôi đi xây dựng đảo nhưng phía Trung Quốc dùng súng đạn bắn chết. Nó hiện về báo mộng cho tôi", mẹ Lai nói. Ảnh: Nguyễn Đông. Trong căn nhà trên đường Nguyễn Xuân Ôn (Hải Châu, Đà Nẵng), mẹ Hồ Thị Lai (80 tuổi) dù đau ốm triền miên nhưng vẫn có thể ngồi hàng giờ kể chuyện về con trai Trương Quốc Hùng. Nhắc đến 14/3/1988, mẹ nước mắt ngắn dài: "Nó về báo mộng. Tôi thấy bóng con hiện về trên ô kính ở hợp tác xã". "Tôi nói mẹ biết con về rồi, thôi con hãy đi đi, mẹ không dám nhìn nữa đâu. Tôi bưng mặt khóc, nhưng nó vẫn đứng ở đó, cái khuôn mặt tuấn tú, tóc chải hai mái. Và máu...", mẹ Lai thuật lại, nước mắt tuôn trào. Không thấy ai báo gì về tình hình con làm nhiệm vụ ngoài đảo, mẹ lại động viên rằng đó chỉ là giấc mơ và nuôi hy vọng. Ít hôm sau, đồng đội gửi thư từ Cam Ranh (Khánh Hòa) về, anh trai Hùng đọc thư rồi ra vườn chuối sau nhà khóc. Vài ngày sau, người anh mới nói với mẹ, Hùng đã hy sinh. Bàn thờ được lập với di ảnh cắt vội từ hồ sơ thời học sinh và bức ảnh đen trắng anh chụp cùng bạn bè trong lần đi chơi. Mỗi lúc nhớ con, mẹ Hằng lại lần giở những bức ảnh đen trắng đã ố màu. Ảnh: Hoàng Táo. Nhắc đến sự kiện Gạc Ma, đến liệt sĩ Hoàng Ánh Đông, mẹ Nguyễn Thị Hằng (71 tuổi, ở Quảng Trị) lại rưng rưng rồi òa khóc. Bà vẫn nhớ như in cái Tết cuối cùng với người con trai. Năm đó, anh Đông được nghỉ Tết 10 ngày, về quê với gia đình đến ngày 12 tháng giêng về lại đơn vị ở Khánh Hòa. "Nó bảo con ra đi bảo vệ tổ quốc. Xong nhiệm vụ rồi con lại về phụng dưỡng mẹ cha", bà Hằng thổn thức. Sau ngày anh Đông hy sinh, đơn vị gửi về cho gia đình những kỷ vật là kỷ niệm chương, áo quần hải quân, cuốn sổ lưu bút, sổ đoàn viên... Những lúc nhớ con, bà Hằng lại đưa những tấm ảnh đen trắng đã phai màu ra ngắm nghía, nâng niu những dòng lưu bút mà bạn bè viết tặng cho anh Đông trong một hội trại vào 4 năm trước ngày hy sinh. Các anh ngã xuống khi chỉ vừa bước sang tuổi 20. Ngóng tìm con trong dòng người qua lại Mẹ Hồ Thị Lai kể, ít ngày sau khi liệt sĩ Trương Quốc Hùng hy sinh, người thân làm cán bộ Quân khu 5 báo tin tàu Đại Lãnh ra Gạc Ma cứu hộ nhưng không được vì bị tàu Trung Quốc ngăn cản. "Giá như họ cho đưa xác về thì con tôi và đồng đội cũng đỡ tội", mẹ Lai nói. Ba năm sau, những gia đình có con mất tích ở Gạc Ma nhận được giấy báo tử. 8 liệt sĩ ở Đà Nẵng hy sinh trong trận hải chiến được lập những ngôi mộ gió, nằm quây quần bên nhau, dưới tán cây lớn ở nghĩa trang trung tâm thành phố Đà Nẵng (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Mẹ Lai tin rằng hồn con mình đã nhập vào ngôi mộ ấy. "Giá như có được nắm cát ở Trường Sa đặt vào trong mộ thì tốt biết bao", mẹ ước ao. Những ngôi mộ gió cho liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma trong khuôn viên nghĩa trang thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông. Đầu tháng 8/2008, tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi tình cờ phát hiện chiếc tàu sắt bị đắm cách Gạc Ma chừng một hải lý. Quân chủng Hải quân nhờ tàu Thành Công 07 chuyên rà phế liệu sắt thép dò tìm. Thợ lặn tìm được một ít xương ống chân, xương vụn dưới thân tàu HQ 604. Người có con hy sinh ở Gạc Ma được lấy máu, thử mẫu ADN. "Gia đình tôi hy vọng tìm được nắm xương của con em, nhưng rồi chỉ 4 gia đình gặp lại con mình. Chồng tôi đợi chờ trong khắc khoải. Ông mất 3 năm trước", bà Nguyễn Thị Hằng nói. Còn mẹ Lai nói việc tìm hài cốt con mình và đồng đội bây giờ "là chuyện vu vơ". "Khi các con bị Trung Quốc bắn, xác đâu có nằm hết ở trên tàu. Nếu chỉ lặn tìm ở nơi tàu đắm sẽ không có kết quả. Trong tâm mẹ, 64 anh em vẫn đang giữ đảo, giữ bằng xương cốt và cả linh hồn", mẹ nói. Vậy mà mỗi khi ra đường, thậm chí vào TP HCM thăm người thân, mẹ Lai cứ đứng ngẩn ngơ không rời mắt khỏi dòng người ngược xuôi. "Biết đâu đó có thằng Hùng đang chạy xe", mẹ nói và tự trấn an: "Con đâu còn mà cứ ngó khan rứa!". 28 năm qua, những người mẹ vẫn gặp con trong những giấc chiêm bao. 64 chiến sĩ trận hải chiến Trường Sa hy sinh như thế nào? Sáng 14/3/1988, khi bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng chủ quyền trên cụm đảo chìm Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin thì Trung Quốc ngang ngược đưa tàu chiến đến ngăn cản. Tại Gạc Ma, lính Trung Quốc có vũ trang cướp cờ, xả súng vào các chiến sĩ hải quân, bắn chìm tàu HQ 604. Tại Cô Lin, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho tàu HQ 505 lao thẳng lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền. Tàu HQ 605 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Len Đao cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy, chìm vào sáng 15/3/1988. 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma rơi vào tay quân xâm lược từ đó. Tháng 4/1988, tổ thợ lặn của tàu Đại Lãnh qua khảo sát biết được tàu HQ 605 chìm ở độ sâu 40 m gần bãi đá Len Đao. Việc xác định vị trí của HQ 604 không thể tiến hành do bị quân Trung Quốc liên tục ngăn cản. Hàng chục năm sau, Trung Quốc vẫn không hợp tác để Việt Nam tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Nguyễn Đông - Hoàng Táo http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/28-nam-doi-con-ve-tu-long-bien-gac-ma-3369564.html