[TIN TRONG NƯỚC] Có nên khai, phát ấn ở Hoàng thành Thăng Long

Thảo luận trong 'Tin tức' bắt đầu bởi MasterPie, 28/2/16.

Trạng thái chủ đề:
Đã khóa. Bạn muốn mở lại chủ đề? Nhắn tin cho admin Thiên Thanh Hi
  1. MasterPie

    MasterPie 《♡Siêu☆Cấp♡》 Người Kiểm Duyệt

    Có nên khai, phát ấn ở Hoàng thành Thăng Long

    Ngoài tranh luận về nguồn gốc, giá trị chiếc ấn, các nhà nghiên cứu còn nêu nhiều ý kiến về việc có nên tổ chức khai, phát ấn ở nơi được coi là trung tâm quyền lực của các triều đại phong kiến Việt Nam.

    Toạ đàm về ấn gỗ "Sắc mệnh chi bảo" phát hiện trong đợt khảo cổ năm 2014 tại Hoàng thành Thăng Long chiều 26/2 thu hút nhiều "lão thành" trong giới lịch sử, khảo cổ, ấn chương cùng các nhà nghiên cứu trẻ. Tọa đàm do GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam và GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam chủ trì. Xuyên suốt tọa đàm là việc đánh giá về nguồn gốc, niên đại và giá trị của hiện vật được cho là ấn Sắc mệnh chi bảo, có niên đại thuộc nhà Trần.

    Chiếc ấn 'cùng vua đi đánh giặc'?

    Hiện vật được cho là ấn "Sắc mệnh chi bảo" thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, bởi đây là chiếc ấn bằng gỗ duy nhất cho đến nay. Ấn được phát hiện tại khu vực Vườn Hồng (hố khai quật G18, khu G) thuộc Hoàng thành Thăng Long, trong đợt khai quật năm 2012 – 2014. Chiếc ấn hình vuông, dày 0,5 cm, mỗi cạnh dài 11,5 cm, còn tương đối nguyên vẹn nhưng khắc ngược.

    [​IMG]
    Mặt khắc và lưng dấu của hiện vật được cho là ấn Sắc mệnh chi bảo có niên đại thời Trần. Ảnh: Hoàng Phương chụp lại.

    Nhiều nhà sử học đầu ngành nhận định đây chính là chiếc ấn gỗ ra đời khi vua tôi nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông lần thứ nhất và được nhắc tới trong Đại Việt sử ký toàn thư. Theo đó, "năm Đinh Tỵ (1257), vua thân hành thống lĩnh quân đi đánh giặc, quan giữ ấn giấu ấn báu lên rường điện Đại Minh, đi đem ấn nội mật đi theo. Giữa đường, ấn ấy bị mất. Giấy tờ trong quân không có ấn. Vua sai thợ khắc gỗ làm ấn. Đến khi xa giá về kinh, lại có người đem dâng chiếc ấn bị mất, ấn báu giấu đi vẫn còn nguyên vẹn ở chỗ cũ". Có nghĩa rằng, đây là chiếc ấn được khắc vội để thay cho ấn nội mật bị mất. Sau này khi ấn nội mật được tìm thấy thì số phận chiếc ấn gỗ không được nhắc đến trong sử sách nữa.

    PGS. TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học nhớ lại: "Ban đầu, chúng tôi chỉ nhận ra đó là miếng gỗ chứ không biết là chiếc ấn. Khi xử lý mới phát hiện một mảnh có chữ "chi bảo", mảnh kia có chữ khác". Hiện vật nằm giữa các lớp di vật thời Trần (thế kỷ 13 - 14), nằm trong tầng văn hóa Trần không hề có xáo trộn, có niên đại khoảng 700 năm. Các nhà khảo cổ đã bóc lớp ngói - loại ngói mũi lá phổ biến ở các di tích thời Trần - mới thấy được chiếc ấn.

    PGS. TS Hoàng Văn Khoán cho rằng đây là "quốc ấn", dấu Sắc mệnh chi bảo thì triều đại phong kiến nào cũng có nhưng nay chỉ còn lại ấn thời Lê, Nguyễn. GS Lê Văn Lan còn khẳng định "chiếc ấn được chế tác ở vùng đất mà ngày nay là huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) và thuộc sở hữu của vua Trần Thái Tông". TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng nhận định "có thể tin được đây là chiếc ấn thời Trần. Còn niên đại tuyệt đối của ấn thì cần phải nghiên cứu thêm".

    Sự xuất hiện của chiếc ấn gỗ tạo nên bất ngờ nhưng cũng làm dấy lên những nghi ngờ trong giới nghiên cứu. Bởi trước đến nay, chưa có triều đại nào dùng ấn gỗ và khắc ngược. Theo nguyên lý tạo tác ấn, dấu phải được khắc âm bản để khi đóng lên giấy tờ, công lệnh mới thành dương bản.

    TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) phải thốt lên: "Tôi chưa bao giờ thấy từ ấn mà lại truân chuyên thế này". Điều duy nhất thuyết phục vị viện trưởng là các cứ liệu cho thấy hiện vật nằm trong địa tầng văn hóa thời Trần. Nhưng theo ông Tuấn, phải xem cả các điển cố, điển lệ để xác định niên đại hiện vật này.

    Có ý kiến cho rằng, thành cổ Thăng Long biết bao biến đổi nên phải hết sức thận trọng trong việc dựa vào địa tầng để xác định niên đại của hiện vật được cho là ấn Sắc mệnh chi bảo. Dù Đại Việt sử ký toàn thư có nhắc đến việc vua đi đánh giặc, mang theo ấn nội mật rồi bị mất, làm ấn tạm thay nhưng không nhắc đến tên của chiếc ấn nên không thể khẳng định đó là chiếc ấn gỗ được tìm thấy ở Hoàng thành.

    Có nên khai, phát ấn ở Hoàng thành Thăng Long?

    Dù không chủ đích nhưng xuyên suốt cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến nhắc đến việc có nên khai ấn ở Hoàng thành Thăng Long - trung tâm quyền lực chính trị hàng nghìn năm của các triều đại phong kiến Việt Nam. Trước đó vào ngày 16/2 (tức mùng 9 tháng giêng), tại lễ dâng hương khai xuân, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức thể nghiệm lễ khai ấn ở Hoàng thành. Việc này đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trong giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa.

    PGS. TS Trịnh Sinh, Viện Khảo cổ học cho rằng việc tìm thấy ấn Sắc mệnh chi bảo là cái kết có hậu cho "chiếc ấn cùng vua đi đánh giặc". Nên tiến hành lễ phát ấn nhưng cần có tư vấn và chuẩn bị thật tốt để không xảy ra việc hỗn loạn, tranh cướp như nhiều lễ khai ấn khác. Bất cứ một cuộc thể nghiệm nào cũng cần có sự tư vấn của hội đồng và có cân nhắc, thảo luận. "Không thể chấp nhập đánh nhau vỡ đầu để giành một lá ấn. Lồng vào đó lợi ích kinh tế, lợi lộc sẽ làm biến dạng phong tục tốt đẹp này", ông nhận định.

    [​IMG]
    Hiện vật được cho là ấn "Sắc mệnh chi bảo" đang được trưng bày ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hoàng Phương.

    PGS. TS Hoàng Văn Khoán cũng đồng tình với việc khai ấn, phát ấn ở Hoàng thành Thăng Long. Ông phân tích, nét nổi bật của triều Trần là 3 lần chiến thắng quân Mông Nguyên. Việc khai ấn, phát ấn nên tổ chức như một ngày hội kỷ niệm chiến thắng quân Nguyên Mông, tưởng nhớ và phát huy đến hào khí Đông A - hào khí của một triều đại vẻ vang, phát triển rực rỡ trong lịch sử dân tộc.

    Ngược lại, nhiều chuyên gia không đồng tình với việc khai, phát ấn vì lo ngại làm mất đi giá trị của hiện vật mà chỉ nên coi đây là một cổ vật độc đáo cần được gìn giữ. TS. Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng, dù Hoàng Thành có điện Kính Thiên và việc phát huy giá trị của chiếc ấn là một hướng tốt song không nên tổ chức phát ấn. "Việc phát ấn dễ dẫn đến hình ảnh hỗn loạn trong tranh cướp ấn là điều không chấp nhận được. Mặc dù nhu cầu tâm linh cần được che chở của con người là tâm lý hoàn toàn đúng. Nếu tổ chức khai ấn, phát ấn mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì có thể tạo ra một cuộc cạnh tranh về khai ấn, phát ấn, tạo nên những hình ảnh không đẹp, làm mất đi ý nghĩa di sản của Hoàng thành", ông nói.

    GS Phan Huy Lê cũng không tán thành việc tổ chức khai ấn ở Hoàng thành. Ông đánh giá cao việc tìm ra chiếc ấn và nhận định dù là ấn gỗ nhưng nó "quý hơn vàng" bởi tính độc đáo. Trong lịch sử phong kiến Việt Nam và trên thế giới chưa thấy vương triều nào khắc ấn gỗ. Vì vậy, cần phải bảo quản hiện vật này cho tốt và nghiên cứu, giám định thêm để xác định rõ niên đại.

    "Sau khi nghiên cứu, nếu khẳng định chiếc ấn ra đợi trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của vua tôi nhà Trần thì chiếc ấn xứng đáng là bảo vật quốc gia", ông nói.

    Hoàng Phương

    http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/co-nen-khai-phat-an-o-hoang-thanh-thang-long-3361335.html
     
Trạng thái chủ đề:
Đã khóa. Bạn muốn mở lại chủ đề? Nhắn tin cho admin Thiên Thanh Hi

Chia sẻ trang này