[TIN TRONG NƯỚC] Đằng sau câu chuyện Dung Quất 'doạ' đóng cửa

Thảo luận trong 'Tin tức' bắt đầu bởi MasterPie, 3/3/16.

Trạng thái chủ đề:
Đã khóa. Bạn muốn mở lại chủ đề? Nhắn tin cho admin Thiên Thanh Hi
  1. MasterPie

    MasterPie 《♡Siêu☆Cấp♡》 Người Kiểm Duyệt

    Đằng sau câu chuyện Dung Quất 'doạ' đóng cửa
    Khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) dần vô hiệu hóa những ưu đãi dành cho doanh nghiệp nội thì cơ quan quản lý cũng ở thế kẹt giữa quyết định có giảm thuế hay không.
    Không phải chờ đến khi lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, rồi Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) nhiều lần "kêu cứu" Chính phủ về việc sản phẩm không cạnh tranh được, dẫn đến tồn kho và nguy cơ đóng cửa..., vấn đề hiệu quả của Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới được đặt ra.

    [​IMG]
    Việc điều chỉnh thuế cho Dung Quất được đánh giá là cấp thiết song không dễ xử lý. Ảnh minh họa: V.M

    Ngay từ khi công trình được hoạch định từ những năm 1990, nhiều tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước đã lên tiếng, mổ xẻ tính hiệu quả, nhất là việc lựa chọn công nghệ và địa điểm xây dựng. Tuy nhiên, với định hướng biến Dung Quất trở thành động lực, bàn đạp cho kinh tế miền Trung "cất cánh", công trình này được khởi công vào cuối năm 2005 và vận hành từ 2009 với vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD.

    FTA vô hiệu hóa ưu đãi thuế

    Để đảm bảo những mục tiêu nêu trên cũng như khỏa lấp phần nào bất lợi, từ khi đi vào hoạt động, Dung Quất đã được hưởng hàng loạt ưu đãi về thuế phí. Tháng 11/2009, Chính phủ cho phép doanh nghiệp được giữ lại số tiền tương đương với 7% thuế nhập khẩu với xăng dầu, 5% với khí hóa lỏng (LPG) và 3% với sản phẩm hoá dầu. Ngoài ra, dự án còn được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10% trong vòng 30 năm (miễn thuế hoàn toàn trong vòng 5 năm đầu, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo), miễn thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế thuê đất...

    Đặc biệt, các sản phẩm của Dung Quất bị áp thuế ngang bằng với các mặt hàng xăng dầu nhập khẩu từ thị trường bên ngoài, theo Thông tư 78 của Bộ Tài chính (xăng là 20%, với diesel, nhiên liệu bay Jet A1, dầu ma dút là 10%), song nhờ cơ chế giữ lại khoản tiền tương đương 7% thuế nhập khẩu với xăng dầu nên sản phẩm của nhà máy trong nhiều năm vẫn có sức cạnh tranh tương đối so với xăng dầu nhập ngoại.

    Tuy nhiên, quá trình hội nhập với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam những năm qua đã chia lại ván bài mới cho nhiều doanh nghiệp, khi các hàng rào thuế quan dần được xoá bỏ, trong đó có Dung Quất. Trong bối cảnh giá dầu lao dốc, các FTA đã vô tình vô hiệu hoá các ưu đãi này.

    Thuế nhập khẩu một số mặt hàng từ Dung Quất và các nước ASEAN

    Trước tháng 4/2015 Tháng 4-12/2015 Từ tháng 1/2016
    Dung Quất

    (Sau khi được giữ lại thuế nhập khẩu 7%)
    - Xăng 28% 13% 13%
    - Diesel 13% 3% 3%
    - Jet A1 13% 3% 3%
    ASEAN
    - Xăng *35% 20% 20%
    - Diesel *20% 10% 0%
    - Jet A1 *20% 10% 0%
    (*) Áp dụng trước tháng 6/2014

    Đầu năm 2016, theo Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu với diesel, Jet A1 về 0% trong khi của Dung Quất vẫn là 10% (nếu trừ đi khoản được ưu đãi còn 3%). Do vậy, mỗi thùng dầu do nhà máy này sản xuất ra đã đắt hơn 4-5 USD so với hàng nhập khẩu.

    Thông tư 20/2015 của Bộ Tài chính về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc, thuế nhập khẩu với sản phẩm xăng từ Hàn Quốc cũng sẽ được áp dụng là 10%. Mức tương tự cũng dự kiến được áp dụng với sản phẩm từ Nhật Bản trong thời gian tới, trong khi các sản phẩm mua từ Dung Quất vẫn là 20% (13% nếu tính thêm phần ưu đãi).

    Dung Quất cho rằng các sản phẩm xăng dầu của nhà máy khi đó sẽ "không có cửa" cạnh tranh khi thuế áp cho "hàng nội" cao hơn hẳn hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Trao đổi vớiVnExpress, ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch Lọc hoá dầu Bình Sơn cho rằng trong bối cảnh đó, việc thay đổi chính sách thuế phí có ý nghĩa sống còn với sự tồn vong của nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. Bản thân nhà máy này cũng nhiều lần "dọa" đóng cửa với lý do chính sách không thay đổi.

    Bộ Tài chính vào thế khó

    Sau lời "kêu cứu" hồi giữa tháng 2 của PetroVietnam, gần đây Bộ Công Thương tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Tài chính sớm giảm thuế cho Dung Quất. "Các báo cáo của PetroVietnam và Lọc hoá dầu Bình Sơn về vướng mắc tiêu thụ các sản phẩm diesel và nhiên liệu bay Jet A1 là có cơ sở và cần thiết phải có giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho Dung Quất", văn bản này nhận định.

    Cùng với Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng vừa có văn bản gửi Thủ tướng về việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất có nguy cơ đóng cửa. Cơ quan này đề nghị Chính phủ và các bộ chỉ đạo các khách hàng đặc biệt như Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) tiếp tục ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong thời gian tới.

    Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị cơ quan quản lý thuế trước mắt xem xét phương án điều chỉnh thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao cạnh tranh cho Dung Quất, đảm bảo nhà máy vận hành ổn định trước khi tính đến những giải pháp dài hạn để hài hoà giữa cam kết quốc tế và hỗ trợ sản xuất trong nước. Đồng thời cơ quan này cũng nhắc lại quan điểm cho rằng những chính sách ưu đãi với Dung Quất và một nhà máy lọc dầu khác là Nghi Sơn đều là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững của đất nước.

    Trả lời báo chí sau những áp lực nêu trên, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) - Phạm Đình Thi nhiều lần cho biết cơ quan này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, cân nhắc. Điều này phần nào cho thấy thế khó của nhà điều hành, nhất là trong điều kiện ngân sách gặp khó như hiện nay.

    Dù có kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng (lô lũy kế gần 1.050 tỷ đồng đến hết năm 2014 dù được hưởng ưu đãi) song sau khoảng 6 năm vận hành thương mại, Lọc dầu Dung Quất cũng nộp về ngân sách khoảng 120.000 tỷ đồng, tức là trung bình 20.000 tỷ một năm. Nay nếu điều chỉnh (giảm thuế suất hoặc tăng mức giữ lại cho Dung Quất), nguồn thu sẽ hụt đi vài nghìn tỷ mỗi năm, trở thành áp lực không nhỏ với cân đối tài khóa. Bên cạnh đó là câu chuyện công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước khác khi tham gia thị trường.

    Nếu không giảm, chưa kể đến áp lực từ việc nhà máy "dọa" đóng cửa do không bán được hàng, cơ quan điều hành cũng vấp phải một chính sách khác vốn được quy định trong cơ chế ưu đãi cho Dung Quất là "cấp bù" tiền cho Dung Quất khi thuế suất mà doanh nghiệp này cao hơn thuế nhập khẩu từ các thị trường khác. Khi đó, PetroVietnam sẽ phải đứng ra bù đắp số tiền này và suy cho cùng, tiền cũng lấy từ ngân sách.

    Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn - chuyên gia đến từ Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng hiệu quả của Dung Quất đã được thực tế chứng minh thời gian qua, khi doanh nghiệp này được tính toán lỗ hơn 1,2 tỷ USD nếu không có ưu đãi. Đây là một sai lầm có tính hoạch định ngay từ khi quyết định xây dựng dự án. "Các ưu đãi đặc biệt của Chính phủ chỉ kéo dài thêm căn bệnh ung thư chỉ trực chờ ngã bệnh của Dung Quất khi không được ưu đãi nữa”, ông Tuấn nói.

    Về kiến nghị giảm thuế, vị này cho rằng Dung Quất có cơ sở để đòi hỏi như việc áp dụng với hàng nhập khẩu, song việc giảm thuế phải được tính toán hợp lý, để đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp. Hơn nữa, cần thiết lập một lộ trình ưu đãi cho Dung Quất chứ không thể kéo dài mãi mãi. Khi thuế phí Dung Quất được cào bằng với doanh nghiệp nhập khẩu thì hiệu quả thực sự của dự án mới được đánh giá khách quan nhất.

    Bạch Dương


    http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-...au-chuyen-dung-quat-doa-dong-cua-3363579.html
     
Trạng thái chủ đề:
Đã khóa. Bạn muốn mở lại chủ đề? Nhắn tin cho admin Thiên Thanh Hi

Chia sẻ trang này