Vì sao rút Luật Biểu tình ra khỏi chương trình họp Quốc hội TTO - Chiều 29-2, Văn phòng Chính phủ có văn bản trả lời một số vấn đề mà dư luận quan tâm như dự án Luật biểu tình, chi phí gầm bàn, việc kiêm nhiệm của các lãnh đạo cấp cao... Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2016 - Ảnh: Chinhphu.vn * Tại phiên họp ngày 17-2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ đã xin rút dự án Luật Biểu tình ra khỏi chương trình kỳ họp tới của Quốc hội. UBTVQH không đồng ý với đề xuất này. Xin cho biết lý do xin rút và ý kiến Chính phủ? Theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Chính phủ đã phân công, chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan soạn thảo dự án Luật Biểu tình. Đây là một dự án luật quan trọng, phức tạp và nhạy cảm. Việc xây dựng dự án Luật được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, chặt chẽ. Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã họp cho ý kiến chỉ đạo về tư tưởng, quan điểm, nội dung cơ bản của dự án Luật để định hướng cho việc soạn thảo. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2016, trong thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau về một số vấn đề quan trọng. Do vậy Chính phủ chưa thông qua và đề nghị UBTVQH cho phép chưa trình dự án Luật này tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá XIII. Ngay sau khi có ý kiến của UBTVQH (ngày 17-2-2016), Văn phòng Chính phủ đã báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đề nghị UBTVQH chưa đưa nội dung cho ý kiến đối với dự án Luật Biểu tình vào chương trình kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá XIII. Lý do là cơ quan chủ trì dự án Luật chưa chuẩn bị kịp để trình Chính phủ xem xét tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2016. * Liên quan tới sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực (Quận Ba Đình, Hà Nội), mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã kết luận về những sai phạm nhưng tính đến thời điểm này cơ quan chức năng vẫn chưa tiến hành công khai các hình thức kỷ luật tập thể, cá nhân phải chịu trách nhiệm. Xin cho biết quan điểm của Chính phủ trong việc chậm chễ xử lý kỷ luật này? Sau khi Thủ tướng Chính phủ có kết luận (tại Thông báo số 351/TB-VPCP ngày 2-11-2015) về việc này, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo (Thông báo số 9410/UBND-XDGT ngày 31-12-2015) đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Thành phố yêu cầu Chủ đầu tư, trong đó yêu cầu khẩn trương hoàn thành phương án phá dỡ phần xây dựng sai giấy phép và giao Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND Quận Ba Đình kiểm điểm trách nhiệm, hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân liên quan. Đây là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có liên quan đến nhiều cấp quản lý. Quan điểm của Chính phủ là phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý quy hoạch đô thị, trật tự đô thị, quản lý đầu tư xây dựng và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng các quy định của pháp luật. Công trình xây sai phép 8B Lê Trực - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ * Có ý kiến cho rằng Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí cũng như nguyên nhân và trách nhiệm. Đặc biệt, người Nhật sang nước ta đầu tư rất bức xúc và sợ nhất "chi phí gầm bàn". Chính phủ đánh giá như thế nào về điều này? Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Chính phủ về lĩnh vực PCTN 5 năm qua cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã có những chuyển biến tích cực, tham nhũng trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước đã từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tiêu cực cao, dễ xảy ra tham nhũng như tín dụng, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; giao thông vận tải. Thời gian tới, Chính phủ, các cơ cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt thực hiện các biện pháp PCTN; coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên. Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện kê khai và kiểm soát kê khai thu nhập; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng. Việc kiêm nhiệm của các Ủy viên Bộ Chính trị có ảnh hưởng công tác? * Một số đồng chí lãnh đạo cấp cao (trong đó có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người Phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng là những chức danh được Quốc hội phê chuẩn) vừa được Bộ Chính trị phân công đảm nhận công tác mới trong khi vẫn giữ các chức danh trong hệ thống hành chính Nhà nước thì có phải chịu trách nhiệm về những công việc theo các chức danh này hay không? Theo quy định, sau phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, cơ cấu nhân sự của Chính phủ mới mới được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Trong thời điểm chuyển giao này, việc chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội có vì thế mà bị ảnh hưởng không? Theo Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ, nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ Quốc hội. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh Phó Thủ tướng, Bộ trưởng do Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, theo Quyết định số 67-QĐ/TW ngày 4-7-2007 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về phân cấp quản lý cán bộ thì các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương thuộc diện Bộ Chính trị quản lý và phân công công tác. Do vậy, về mặt pháp lý, các đồng chí Phó Thủ tướng, Bộ trưởng được Bộ Chính trị phân công công tác mới vẫn là thành viên Chính phủ, trách nhiệm lãnh đạo, quản lý chỉ đạo, điều hành các công việc vẫn do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã điều chỉnh phân công công tác của thành viên Chính phủ. Công việc của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đảm nhiệm; của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng giao cho Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường; của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên được giao cho đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ. VÕ VĂN THÀNH http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-...a-khoi-chuong-trinh-hop-quoc-hoi/1059451.html